ĐỀ ÁN XÂY DỰNG ÍT NHẤT 1 TRIỆU CĂN NHÀ Ở XÃ HỘI

Tại tọa đàm “Hiện thực hóa Đề án Xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội” do Bộ Xây dựng phối hợp với Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC (Đài Tiếng nói Việt Nam) tổ chức chiều 19/10

Ông Đỗ Tiến Sỹ - Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam nhấn mạnh, năm 2023, do chịu tác động lớn khi thị trường bất động sản bị "đóng băng", tiến độ của nhiều dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân chậm lại.

 

Song vượt qua những khó khăn trở ngại, đến thời điểm này, các hoạt động trong nhiều lĩnh vực của ngành xây dựng cơ bản được khôi phục, phát triển phù hợp. 

 

Minh chứng rõ ràng nhất là, đến nay, cả nước hoàn thành 41 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng hơn 19.500 căn và đang tiếp tục triển khai 294 dự án, quy mô xây dựng 288.500 căn. 

Ông Đỗ Tiến Sỹ - Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam - phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: Ngô Nhung).

                       Ông Đỗ Tiến Sỹ - Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam - phát biểu tại tọa đàm.

Những con số ấn tượng này là động lực to lớn để hôm nay chúng ta cùng phối hợp tổ chức tọa đàm này. Từ đó nhìn nhận rõ hơn những giá trị tích cực của một chính sách hết sức nhân văn đang được triển khai hiệu quả, giúp cho hàng vạn người nghèo, hàng vạn công nhân thuê hoặc mua nhà với giá rẻ có chỗ ở ổn định, an tâm làm việc và công tác”, ông Đỗ Tiến Sỹ nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo ông Sỹ, so với thực tế, nguồn cung này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu rất lớn về chỗ ở của người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp và công nhân tại các khu công nghiệp.

Tháng 4/2023, Thủ tướng đã phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”. Trong đó, đưa ra một loạt chính sách cụ thể về phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, với mục tiêu rõ ràng và giải quyết hàng loạt nút thắt lâu nay. 

Tôi mong muốn, tọa đàm hôm nay sẽ ghi nhận thêm nhiều ý kiến, kiến nghị, giải pháp của các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp để hiện thực hóa đề án quan trọng này”, ông Sỹ nhấn mạnh.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Thanh Nghị - Bộ trưởng Bộ Xây dựng - cũng nhấn mạnh, nhờ các chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư, phát triển nhà ở xã hội, đến nay, cả nước đã hoàn thành 312 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 158.000 căn, với tổng diện tích hơn 8 triệu m2; Đang tiếp tục triển khai 418 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 432.400 căn với tổng diện tích khoảng 22.565.000 m2.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị. (Ảnh: Ngô Nhung).

                                                                          Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị. 

         Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, số lượng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp đã được khởi công là 9 dự án với tổng số khoảng 18.768 căn. Trong đó, nhà ở xã hội 06 dự án; nhà ở công nhân 03 dự án.

Theo Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn nhà ở xã hội”, phấn đấu đến năm 2030 tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn. 

"Như vậy, nếu các dự án đã được cấp phép và chấp thuận chủ trương đầu tư hoàn thành đúng thời hạn thì chúng ta sẽ cơ bản hoàn thành mục tiêu đến năm 2025", ông Nghị nói.

Tọa đàm “Hiện thực hóa Đề án Xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội” diễn ra chiều 19/10. (Ảnh: Ngô Nhung).

                  Tọa đàm “Hiện thực hóa Đề án Xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội” diễn ra chiều 19/10. 

     Bộ trưởng cũng cho biết, theo báo cáo, các địa phương đang tập trung triển khai gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng, hiện nay đã có đã có 20 tỉnh công bố danh mục 52 dự án đủ điều kiện vay theo chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với nhu cầu vay vốn là 25.884 tỷ đồng. 

Trong đó, có 49 dự án nhà ở xã hội với nhu cầu vay khoảng 24.655 tỷ đồng và 3 dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ với nhu cầu vay khoảng 1.230 tỷ đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có một số dự án nhà ở xã hội tại các địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 83/1.095 tỷ đồng đã ký hợp đồng vay vốn.

Bộ Xây dựng nhận thức rằng việc triển khai Đề án sẽ còn rất nhiều khó khăn, thách thức trong giai đoạn sắp tới, cần sự chung tay, vào cuộc một cách đồng bộ của các cấp chính quyền, các hiệp hội nghề nghiệp và các doanh nghiệp”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Nguồn VTC